Tiêm filler mặt có hại về sau không luôn là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn trước khi làm đẹp. Dù mang lại hiệu quả thẩm mỹ tức thì, song tiêm filler vẫn tiềm ẩn những rủi ro nếu không thực hiện đúng kỹ thuật hoặc sử dụng sản phẩm kém chất lượng.
Tiêm filler mặt không gây hại về sau nếu được thực hiện đúng kỹ thuật, tại cơ sở uy tín và dùng chất làm đầy đạt chuẩn. Filler phổ biến nhất là hyaluronic acid (HA), một thành phần tự nhiên có trong da, giúp giữ ẩm, tạo độ đàn hồi, mang tính tương thích cao và có thể phân hủy dễ dàng nếu cần điều chỉnh.
Tuy nhiên, nếu tiêm filler sai kỹ thuật, tiêm vào mạch máu, có thể gây biến chứng nguy hiểm như tắc mạch, hoại tử, thậm chí tử vong. Vì vậy, tiêm filler an toàn hay không phụ thuộc rất lớn vào tay nghề bác sĩ và chất lượng sản phẩm sử dụng.
Biến chứng do tiêm filler sai kỹ thuật
Tiêm filler sai kỹ thuật hoặc tại cơ sở kém uy tín có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Một số rủi ro thường gặp bao gồm: sưng đau kéo dài, nhiễm trùng, hình thành sẹo, áp xe, hoặc cơ thể phản ứng với filler như dị vật. Nguy hiểm hơn, nếu tiêm nhầm vào mạch máu, filler có thể gây tắc mạch, hoại tử da, thuyên tắc phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Cụ thể:
– Sưng đau kéo dài, bầm tím: Sau khi tiêm, một số phản ứng nhẹ như sưng và bầm là bình thường. Tuy nhiên, nếu tiêm sai kỹ thuật hoặc dùng filler kém chất lượng, tình trạng này có thể kéo dài và trở nên nghiêm trọng hơn, gây khó chịu và ảnh hưởng thẩm mỹ.
– Nhiễm trùng: Khi không đảm bảo vô trùng trong quá trình tiêm, vi khuẩn có thể xâm nhập gây viêm đỏ, mưng mủ hoặc lan sang vùng xung quanh. Trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, đe dọa đến tính mạng.
– Áp xe và sẹo: Tiêm sai lớp mô hoặc do phản ứng với chất filler có thể gây tích tụ mủ (áp xe) hoặc hình thành sẹo cứng, mất thẩm mỹ. Việc xử lý áp xe phải tiến hành dẫn lưu và điều trị bằng kháng sinh.
– Phản ứng dị ứng, viêm mô: Mặc dù hyaluronic acid khá an toàn, tuy nhiên một số người có thể phản ứng quá mẫn hoặc viêm kéo dài, nhất là khi filler chứa tạp chất hoặc không rõ nguồn gốc. Cơ thể có thể xem chất này như dị vật và kích hoạt phản ứng viêm.
– Di chuyển filler, tạo u cục hoặc biến dạng khuôn mặt: Tiêm sai kỹ thuật, hoặc tiêm vào vùng hoạt động nhiều như môi, má… dễ khiến filler di chuyển khỏi vị trí ban đầu, tạo nên u cục làm mất cân xứng và biến dạng khuôn mặt. Filler kém chất lượng cũng dễ bị vón cục theo thời gian.
– Rò rỉ filler ra ngoài da: Filler tiêm sai lớp da hoặc bị áp lực bên trong đẩy ra có thể gây rò rỉ qua da, tạo lỗ hoặc tổn thương hở. Điều này vừa mất thẩm mỹ, vừa gây viêm nhiễm kéo dài.
– Tắc mạch máu: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất. Nếu filler bị tiêm vào động mạch, nó có thể gây tắc dòng máu đến các vùng da hoặc cơ quan khác. Kết quả có thể là hoại tử da, mù lòa (nếu liên quan đến vùng quanh mắt), hoặc thậm chí thuyên tắc phổi, suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong.
Nhiễm trùng, hoại tử da do tiêm filler vào mạch máu
Filler có thể tự tan theo thời gian, trung bình, filler HA sẽ tan dần trong vòng 6 – 18 tháng, một số loại filler cao cấp có thể lâu hơn khoảng 24 tháng, thời gian tan tùy theo loại filler, vị trí tiêm và cơ địa mỗi người.
Những vùng hoạt động nhiều như môi hay cằm thường tan filler nhanh hơn. Trong trường hợp cần chỉnh sửa sớm, bác sĩ có thể dùng enzyme hyaluronidase để làm tan filler nhanh chóng và an toàn.
Tiêm filler giữ được khoảng 6-24 tháng
Mặc dù filler là phương pháp làm đẹp phổ biến và ít xâm lấn, tuy nhiên không phải ai cũng phù hợp để thực hiện thủ thuật này. Các chuyên gia thẩm mỹ khuyến cáo những đối tượng sau không nên tiêm filler để tránh rủi ro và biến chứng không mong muốn:
– Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, vì hiện chưa có đủ nghiên cứu chứng minh filler an toàn tuyệt đối đối với thai kỳ hoặc trẻ sơ sinh, do đó cần tránh thực hiện trong giai đoạn này.
– Người có tiền sử dị ứng, đặc biệt là dị ứng với thành phần của filler như axit hyaluronic hoặc lidocaine.
– Người đang bị nhiễm trùng da hoặc viêm da tại vùng tiêm.
– Người có cơ địa sẹo lồi không nên tiêm filler, vì có thể kích thích phản ứng xơ hóa, làm tăng nguy cơ hình thành sẹo lồi tại vị trí tiêm.
– Người có rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc làm loãng máu.
– Người dưới 18 tuổi khuôn mặt vẫn đang trong quá trình phát triển, chưa phù hợp để tiêm filler mang tính chất định hình hoặc chỉnh sửa.
Để tiêm filler an toàn và không lo biến chứng về sau, cần lưu ý:
– Đảm bảo thực hiện tại cơ sở y tế uy tín, bởi bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm.
– Sử dụng filler chính hãng được Bộ Y tế cấp phép.
– Trước khi tiêm cần được bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe, loại da, cơ địa và loại filler phù hợp.
– Quy trình phải vô trùng tuyệt đối để tránh nhiễm trùng.
– Sau tiêm, tuân thủ chăm sóc hậu thủ thuật và tái khám định kỳ sẽ giúp duy trì hiệu quả lâu dài và an toàn.
Nhiều người băn khoăn “Tiêm filler mặt có hại về sau không“, và thực tế là filler chỉ gây hại khi thực hiện sai cách hoặc dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc. Do đó, việc lựa chọn bác sĩ chuyên môn cao, sử dụng filler chất lượng và tuân thủ hướng dẫn hậu chăm sóc chính là chìa khóa để làm đẹp an toàn, hiệu quả và bền vững.